Nếu bạn đang trên con đường trở thành một tác giả tiểu thuyết, đừng bỏ qua bài viết này. Vì bài viết sẽ chỉ ra 10 lỗi thường gặp khi viết tiểu thuyết mà rất nhiều tác giả mắc phải. Những sai lầm này có thể khiến tác phẩm của bạn trở nên kém hấp dẫn và làm giảm khả năng kết nối với độc giả. Hiểu rõ và tránh được những lỗi này sẽ giúp bạn tạo ra một câu chuyện hoàn chỉnh và cuốn hút hơn.

Phần mở đầu không ấn tượng
Lỗi thường gặp khi viết tiểu thuyết mà nhiều tác giả mới mắc phải chính là phần mở đầu kém, mờ nhạt và không đủ hấp dẫn. Phần mở đầu chính là nơi quyết định độc giả có “chấp nhận” bị cuốn theo câu chuyện của bạn hay không. Nội dung đó có đủ sức gây ấn tượng và khơi dậy sự tò mò cho họ hay không.
Việc chèn quá nhiều thông tin về bối cảnh hoặc quá khứ vào phần mở đầu chính là một sai lầm nghiêm trọng mà các tác giả thường gặp. Dù những đoạn giải thích có được trau chuốt và lựa chọn ngôn từ cẩn thận, nhưng chúng thường làm giảm sức hấp dẫn ngay từ đầu, khiến cho câu chuyện thiếu sự kích thích cần thiết để giữ chân người đọc.
Độc giả cần cảm nhận được sự hứa hẹn về một câu chuyện hấp dẫn sắp diễn ra, chứ không chỉ đơn thuần là những mô tả dài dòng. Nếu làm được điều này, chắc chắn bạn sẽ thuyết phục thành công độc giả của mình không rời mắt khỏi cuốn tiểu thuyết.

Lỗi thường gặp khi viết tiểu thuyết: Không có USP rõ ràng
Khi có USP, chủ đề rõ ràng thì sẽ giúp tiểu thuyết của bạn nổi bật giữa hàng triệu tác phẩm khác. Một USP mạnh không cần phải phức tạp, nhưng nó phải nêu bật được điều gì đặc biệt, cuốn hút. Có thể là một cốt truyện táo bạo, một nhân vật độc đáo, hoặc một góc nhìn mới mẻ về chủ đề quen thuộc. Nếu tiểu thuyết của bạn không có điểm độc đáo nào, câu chuyện sẽ dễ trở nên mờ nhạt và khó lưu lại dấu ấn với độc giả.

Cấu trúc cốt truyện rời rạc
Thêm một lỗi thường gặp khi viết tiểu thuyết nữa là cấu trúc cốt truyện rời rạc. Cốt truyện không phải được tạo nên từ những sự kiện ngẫu nhiên, mà tất cả đều có mục đích và ẩn ý, phải có sự liên kết giữa các sự kiện và nhân vật, giúp tạo ra dòng chảy tự nhiên và mạch lạc cho câu chuyện. Vì vậy, khi cốt truyện thiếu sự liên kết chặt chẽ, câu chuyện dễ trở nên khó theo dõi và mất đi sự cuốn hút.
Ví dụ, mỗi sự kiện trong câu chuyện cần có nguyên nhân và hệ quả, tạo thành một chuỗi liên tục và kết nối. Nếu các sự kiện hoặc nhân vật không liên quan đến nhau, tiểu thuyết sẽ trở nên rời rạc, khiến người đọc cảm thấy khó hiểu và không muốn theo dõi tiếp điều gì sẽ xảy ra.
Tóm lại, mỗi chương, mỗi cảnh cần phải có lý do tồn tại, hoặc thúc đẩy cốt truyện hoặc phát triển nhân vật. Nếu một cảnh không đóng góp gì, dù nó được mô tả hay đến đâu, cũng nên loại bỏ để tránh câu chuyện dài miên man.

Xây dựng nhân vật không thực tế
Đối với các tác giả mới việc xây dựng cốt truyện rời rạc, các phân cảnh không có tính liên kết là lỗi thường gặp khi viết tiểu thuyết. Cạnh đó, lỗi xây dựng một nhân vật thiếu thực tế và không có động cơ phát triển cũng phổ biến không kém.
Như chúng ta biết, nhân vật trong tiểu thuyết không chỉ là những “hình tượng” được tạo ra để thúc đẩy câu chuyện, mà còn phải có chiều sâu, động lực và tính cách khiến họ trở nên chân thực và có tính thuyết phục.
Nhân vật cần phải có sự phát triển hợp lý trong bối cảnh của cốt truyện. Một câu chuyện chỉ có thể gắn kết với người đọc nếu họ cảm thấy rằng các nhân vật đang sống, trải qua những thăng trầm và có sự thay đổi hoặc phát triển.
Để làm được điều này, tác giả cần phải hiểu rõ nhân vật của mình từ bên trong, cả tính cách, quá khứ, động cơ và cách họ phản ứng trước các tình huống trong câu chuyện. Thiếu đi các yếu tố này sẽ làm cho nhân vật trở nên mờ nhạt và khó chạm tới sự đồng cảm của độc giả.
Ngoài ra, việc xây dựng một nhân vật quá hoàn hảo, không khuyết điểm cũng là một lỗi thường gặp khi viết tiểu thuyết. Những nhân vật có quá nhiều ưu điểm mà không có bất kỳ khuyết điểm nào sẽ dễ gây nhàm chán cho độc giả. Nhân vật hoàn hảo khiến người đọc khó liên hệ và cảm thấy xa cách.
Hãy nhớ rằng, độc giả thường có xu hướng gắn kết mạnh mẽ hơn với những nhân vật có điểm yếu, sai lầm, nhưng vẫn có khả năng vượt qua thử thách và phát triển bản thân qua những sự kiện trong câu chuyện.
Xây dựng nhân vật phải đi kèm với động cơ và hành động rõ ràng. Mỗi hành động, quyết định của nhân vật phải có lý do cụ thể và hợp lý trong bối cảnh truyện. Thông qua đó sẽ tạo nên một nhân vật thực tế hơn, giúp câu chuyện phát triển một cách logic và chạm đến “đời” hơn. Nếu nhân vật hành động một cách tùy tiện hoặc không có động lực rõ ràng, câu chuyện sẽ trở nên khó hiểu và không dễ dàng giữ chân độc giả.

Không nhất quán quan điểm/Quan điểm gây nhầm lẫn
Quan điểm không đồng nhất, dễ gây nhầm lẫn cũng là một lỗi thường gặp khi viết tiểu thuyết của một số tác giả mới. Lỗi này xuất hiện chủ yếu do sự thiếu rõ ràng trong lập luận, nhận thức sai từ đầu về chủ đề hoặc quan điểm muốn truyền tải, cũng có thể là do thay đổi góc nhìn một cách đột ngột, bất hợp lý làm cho câu chuyện mất đi tính mạch lạc.
Khi góc nhìn không được duy trì nhất quán, độc giả dễ rơi vào trạng thái mất phương hướng. Ví dụ như ếu một cảnh đang kể từ góc nhìn của một nhân vật, nhưng đột ngột chuyển sang suy nghĩ của một nhân vật khác mà không có dấu hiệu rõ ràng, điều này sẽ làm đứt mạch câu chuyện và gây rối cho người đọc. Vì thế, hãy bám sát vào ngôi kể duy nhất trong suốt diễn biến câu chuyện để độc giả tập trung vào hành trình tâm lý của nhân vật chính và cả câu chuyện.
Tiếp theo, sự thay đổi quan điểm không kiểm soát hoặc quá tự do cũng có thể làm cho câu chuyện trở nên rối rắm. Nhiều tác giả mới thường viết theo dòng suy nghĩ cá nhân, thay đổi quan điểm liên tục mà không chỉnh sửa kỹ lưỡng, dẫn đến việc người đọc không thể theo dõi được mạch cảm xúc của các nhân vật.

Thiếu xung đột, căng thẳng và hồi hộp
Xung đột là yếu tố then chốt tăng độ hấp dẫn cho tiểu thuyết, là động lực chính của cốt truyện. Nó có thể là một sự kiện bất ngờ, một tình huống bất lợi, hoặc một mâu thuẫn nội tâm, điều khiến cuộc sống của nhân vật chính bị đảo lộn.
Nếu không có xung đột, câu chuyện sẽ thiếu đi mục đích và không tạo được động lực cho nhân vật phát triển. Một câu chuyện mà nhân vật đạt được mọi thứ quá dễ dàng sẽ khiến người đọc mất hứng thú vì các tình huống trở nên quá đơn giản, không kích thích sự tò mò hay mong chờ của họ.
Vì thế, tác giả cần xây dựng những xung đột rõ ràng, đảm bảo rằng nhân vật phải đối mặt và vượt qua chúng một cách hợp lý, đồng thời thể hiện sự trưởng thành hoặc thay đổi của nhân vật qua các tình huống đó.
Lưu ý, người đọc mong đợi sự bất ngờ và những cú twist có ý nghĩa, vì vậy tác giả cần kiểm soát tốt lượng thông tin mà họ cung cấp để giữ cho độc giả luôn đoán trước được các diễn biến sắp tới.

Kể quá nhiều, mô tả nhạt nhẽo
Đây có thể là một lỗi mà nhiều tác giả gặp phải khi viết tiểu thuyết, nhưng có thể họ sẽ không để ý cho đến khi đọc lại câu chuyện mà mình kể vài lần. Vấn đề kể quá nhiều thay vì mô tả câu chuyện qua hành động, lời nói và cảm xúc của nhân vật sẽ khiến mọi thứ bị lê thê và thiếu điểm nhấn sáng giá. Vì thế, lời khuyên cho các tác giả chính là hãy áp dụng nguyên tắc show don’t tell khi viết.
Tuy nhiên, nếu mô tả quá nhạt nhẽo, đơn điệu và thiếu chiều sâu cũng làm câu chuyện mất đi tính hay của nó. Một câu chuyện hay phải có những cảnh mô tả chi tiết, giàu cảm xúc, sử dụng nhiều giác quan để giúp người đọc hoàn toàn đắm chìm trong thế giới của nhân vật.

Lỗi thường gặp khi viết tiểu thuyết: Dùng câu từ sáo rỗng
Dù là vô tình, nhưng sự có mặt của quá nhiều câu từ sáo rỗng sẽ làm giảm nhiệt của câu chuyện. Thay vì đầu tư công sức để tìm cách diễn đạt mới lạ, tác giả thường dựa vào những cụm từ quen thuộc để lấp chỗ trống, dẫn đến việc câu văn trở nên thiếu sức mạnh thuyết phục cảm xúc của độc giả.
Hãy cố gắng thay thế những cụm từ nhàm chán bằng một cách diễn đạt sáng tạo hơn. Mỗi tình huống, mỗi cảm xúc đều có thể được khai thác từ nhiều góc nhìn khác nhau, mang lại sự mới lạ và sâu sắc hơn cho câu chuyện của bạn.

Thiếu hoặc quá nhiều cốt truyện phụ
Ngoài cốt truyện chính, cốt truyện phụ cũng là yếu tố có thể thúc đẩy cao trào câu chuyện. Tuy nhiên, có một số tiểu thuyết bị giảm độ “hot” khi thiếu hoặc chèn quá nhiều cốt truyện phụ.
Cốt truyện phụ giúp làm phong phú thêm câu chuyện chính, cung cấp bối cảnh bổ sung và phát triển nhân vật một cách toàn diện hơn. Chúng như những gia vị làm cho câu chuyện trở nên đa dạng và lôi cuốn. Khi không có cốt truyện phụ, câu chuyện chính có thể trở nên nhàm chán và không đủ thu hút, vì thiếu sự đa dạng và chiều sâu.
Ngược lại, nếu quá nhiều cốt truyện phụ có thể làm độc giả bị phân tán sự chú ý. Khi câu chuyện có quá nhiều nhánh phụ, nhân vật phụ, hoặc các sự kiện không liên quan trực tiếp đến cốt truyện chính, nó có thể làm giảm sự tập trung của độc giả và làm câu chuyện trở nên rối rắm. Độc giả có thể cảm thấy bối rối khi phải theo dõi quá nhiều thông tin và quên mất cốt truyện chính là gì.
Có thể bạn quan tâm: Cách viết tiểu thuyết hay cho người mới bắt đầu

Kết truyện gây thất vọng
Kết thúc nên thể hiện sự phát triển hoặc thay đổi rõ rệt ở các nhân vật chính. Độc giả cần cảm nhận được rằng hành trình của các nhân vật đã dẫn đến một điểm kết thúc có ý nghĩa, dù là tích cực hay tiêu cực. Nếu nhân vật đã trải qua một quá trình thay đổi, kết quả này cần phải được phản ánh rõ ràng trong kết thúc.
Một cái kết không thỏa đáng có thể gây thất vọng lớn cho độc giả, làm hỏng toàn bộ trải nghiệm của họ trong tiểu thuyết của bạn. Và sự thất vọng này vẫn thường thấy trong nhiều cuốn tiểu thuyết.

Lời kết
Hy vọng danh sách 10 lỗi thường gặp khi viết tiểu thuyết trong bài viết sẽ giúp bạn có một cuốn tiểu thuyết hay và để lại nhiều ấn tượng với độc giả. Bằng cách “tránh né” một cách linh hoạt, bạn sẽ tạo ra được cốt truyện chặt chẽ và hấp dẫn hơn, khiến cho độc giả có nhiều trải nghiệm tuyệt vời với tiểu thuyết của bạn.
Đừng quên rằng, mỗi lỗi sai là một cơ hội để học hỏi và cải thiện. Chúc bạn thành công trong hành trình này và xây dựng thương hiệu cá nhân thành công!
Nhớ theo dõi Người Chấp Bút để đọc thêm nhiều bài blog hữu ích khác hoặc hãy liên hệ với chúng tôi khi bạn cần hỗ trợ xuất bản sách, tiểu thuyết nhé!