Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể dành hết thời gian để đọc một quyển sách. Và cũng có rất nhiều lúc, bản thân lại cảm thấy mệt mỏi và đau đầu với lượng thông tin “khủng” cần tìm kiếm và phân tích trong sách. Vậy nên khi nằm được các kỹ thuật đọc sách và linh hoạt sử dụng trong từng trường hợp, mục tiêu cụ thể, đọc sách sẽ không còn là áp lực với nhiều người nữa. 

Trong bài viết này sẽ chia sẻ cho bạn top 4 kỹ thuật đọc sách hiệu quả nhất, có thể dễ dàng áp dụng vào thói quen đọc hàng ngày. Cùng Người Chấp Bút tìm hiểu và ứng dụng ngay nhé!

TOP 4 kỹ thuật đọc sách và cách ứng dụng hiệu quả
TOP 4 kỹ thuật đọc sách và cách ứng dụng hiệu quả

Top 4 kỹ thuật đọc sách nhanh và hiệu quả

Mỗi cuốn sách mang đến cho bạn một góc nhìn mới mẻ, nhưng nếu bạn không biết cách tiếp cận, có thể sẽ bỏ lỡ những thông điệp quan trọng. Thêm vào đó, việc không có quá nhiều thời gian để đọc sách cũng là lý do khiến bạn khó toàn tâm, toàn ý để hoàn thành bất kỳ quyển sách nào, dù đó là quyển mà bạn rất yêu thích. 

Ngoài ra, khi cần đọc sách để tìm kiếm thông tin, chọn lọc kiến thức để phục vụ cho việc học hay làm việc, số lượng sách quá nhiều cũng sẽ làm bạn bị choáng ngợp. Những lúc này thì nên chọn ra kỹ thuật đọc sách phù hợp để nâng cao hiệu quả đọc và giúp việc tiếp thu kiến thức được tốt hơn.

Dưới đây là 4 kỹ thuật đọc sách nhanh và hiệu quả mà bạn có thể áp dụng thử:

Kỹ thuật đọc sách SQ3R

SQ3R là viết tắt của Survey, Question, Read. Recite và Review. Đây là một trong những kỹ thuật đọc sách hiệu quả, giúp người đọc không chỉ nắm bắt thông tin mà còn cải thiện khả năng ghi nhớ lâu dài.

  • Survey – Khảo sát: Bước đầu tiên trong kỹ thuật đọc SQ3R là khảo sát. Đây là bước chuẩn bị cực kỳ quan trọng. Bạn cần lướt qua toàn bộ nội dung để có cái nhìn tổng quát. Những thứ cần để mắt đến chính là tiêu đề chính, tên chương, phần giới thiệu, hình ảnh và bất kỳ thông tin nổi bật nào mà khi liếc mắt qua đã bắt gặp ngay. Thông qua những chi tiết này bạn sẽ dần hình dung được điểm chính của sách. 
  • Question – Đặt câu hỏi: Sau khi khảo sát bạn nên tự hỏi liệu bản thân muốn tìm hiểu điều gì từ quyển sách này. Việc đặt câu hỏi sẽ giúp bạn xác định các khía cạnh mà mình mong muốn tìm hiểu và tìm câu trả lời.
  • Read – Đọc: Đây là lúc bạn nên đọc một cách chủ động để tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi đã đề ra. Bạn đừng cố gắng đọc quá nhanh mà nên tập trung vào những ý chính của từng đoạn, thẩm chí đôi khi nên diễn giải các ý bằng ngôn từ của mình trong ghi chú. Kỹ thuật đọc sách SQ3R khuyến khích việc đọc tích cực và chủ động, giúp chúng ta không chỉ lướt qua thông tin mà còn phân tích, suy nghĩ về nội dung đó. Khi gặp những ý tưởng hay hoặc thông tin quan trọng, bạn nên gạch chân để có thể dễ dàng ôn tập lại sau này.
  • Recite – Đọc thuộc lòng: Sau khi đọc xong, hãy dừng lại và trả lời các câu hỏi mình đã đề ra trước đó. Đây là lúc bạn có thể tự kiểm tra xem mình đã hiểu và nhớ được bao nhiêu. Bạn có thể cố nhớ lại những nội dung vừa đọc mà không cần nhìn vào sách, hãy tự hỏi liệu bản thân có thể diễn đạt lại mọi thứ bằng giọng nói của mình hay không. Tốt nhất là bạn nên ghi lại những gì mình nhớ, đây cũng là cách để kiểm tra khả năng ghi nhớ và cải thiện kỹ năng viết của bản thân.
  • Review – Ôn tập: Kỹ thuật SQ3R yêu cầu người đọc phải ôn lại nội dung trong vòng 24H. Điều này rất quan trọng, vì nghiên cứu cho thấy nếu chúng ta không ôn lại ngay, có thể sẽ quên đến 80% nội dung chỉ sau một ngày. 

Kỹ thuật đọc nhanh Skimming

Khi cần nhanh chóng nắm bắt thông tin mà không cần đi sâu vào chi tiết, kỹ thuật đọc lướt hay còn gọi là Skimming sẽ là một lựa chọn tốt. 

Skimming được sử dụng chủ yếu trong các tình huống khi bạn cần có cái nhìn tổng quan về một văn bản để xác định liệu tài liệu đó có hữu ích hay không. Chẳng hạn, khi đọc một bài báo hay tài liệu nghiên cứu, Skimming cho phép bạn nhanh chóng đánh giá được mức độ liên quan và sự phù hợp của tài liệu với nhu cầu của mình. Ngoài ra, kỹ thuật này cũng hữu ích khi bạn cần ôn tập lại nội dung đã học hoặc chuẩn bị cho các kỳ thi mà không có nhiều thời gian để xem lại từng chi tiết.

Khi đọc sách, bạn cũng có thể áp dụng kỹ thuật đọc nhanh, đọc lướt này để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đảm bảo không lược bỏ những gì quan trọng mà tác giả muốn đề cập đến. Khi lướt qua một đoạn văn hoặc một chương, bạn có thể hiểu rõ bối cảnh chung, ý chính của các đoạn và mạch nội dung, từ đó dễ dàng quyết định xem phần nào cần đọc kỹ hơn.

Để áp dụng kỹ thuật đọc sách skimming một cách hiệu quả, bạn có thể thử các bước sau:

  • Xem qua mục lục hoặc tóm tắt chương
  • Chú ý đến tên sách, tên chương và các mục nhỏ hơn
  • Tập trung các từ khóa quan trọng có liên quan đến nội dung
  • Đọc câu đầu và câu cuối của mỗi đoạn
  • Dừng lại ở các điểm cần thiết
Kỹ thuật đọc nhanh Skimming
Kỹ thuật đọc nhanh Skimming

Kỹ thuật đọc quét – Scanning

Tương tự với Skimming, Scanning hay đọc quét cũng là một kỹ thuật đọc sách không cần phải đi sâu vào nội dung mà vẫn có thể nắm được thông điệp chính hay bất kỳ điều gì mà bạn muốn từ quyển sách đó.

Tuy nhiên, khác với kỹ thuật Skimming – vốn tập trung vào việc nắm bắt ý chính của toàn bộ văn bản – kỹ thuật đọc quét lại chủ động nhắm vào một mục tiêu nhất định. Đây là phương pháp rất hữu ích khi bạn có mục đích trước khi đọc sách. Ví dụ, với một quyển sách quá dày và bạn chỉ cần một ít thông tin trong đó, thì Scanning chắc chắn sẽ là giải pháp tốt nhất để giúp bạn tìm kiếm câu trả lời.

Với kỹ thuật đọc sách này, bạn có thể nhanh chóng xác định các thông tin quan trọng mà không phải tốn nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý là phương pháp này không cung cấp cho bạn sự hiểu biết toàn diện về nội dung sách, bạn sẽ phải lược bỏ rất nhiều chi tiết. Nên, nếu quyển sách đang cầm là tiểu thuyết thì đừng chọn kỹ thuật đọc sách nhanh này. Kỹ thuật này chỉ nên áp dụng khi đó là sách chuyên ngành, sách kỹ thuật, kỹ năng,…

Kỹ thuật đọc chủ động

Kỹ thuật đọc sách chủ động có thể hiểu là tập trung vào tương tác trực tiếp và có mục tiêu với từng nội dung trong sách để giúp bản thân hiểu sâu và ghi nhớ lâu hơn. Không nên chỉ đọc lướt qua, khi sử dụng kỹ thuật, bạn buộc phải chủ động đặt câu hỏi, ghi chú và kết nối với kiến thức đã có.

Cách ứng dụng như sau:

  • Đặt câu hỏi trước và trong khi đọc, như là: “ý chính của đoạn này là gì?”, “tác giả đề cập đến vấn đề này có mục đích gì?”, “Sự xuất hiện của nhân vật này sẽ thay đổi cốt truyện như thế nào?”,…
  • Ghi chú lại các ý quan trọng và dùng giọng văn của mình diễn đạt để ghi nhớ lâu hơn.
  • Kết nối với những gì bạn đã biết và tìm hiểu xem liệu chúng có mối liên quan nào hay không.
  • Tóm tắt lại sau mỗi chương để kiểm tra mức độ hiểu biết của bản thân.

XEM THÊM: Khám phá 10 cách đọc sách nhanh, hiệu quả và nhớ lâu

Kỹ thuật đọc chủ động
Kỹ thuật đọc chủ động

Làm sao để cải thiện kỹ năng đọc sách?

Để đọc sách hiệu quả cần áp dụng đúng kỹ thuật. Nhưng lựa chọn đúng kỹ thuật đọc sách không chắc chắn 100% sẽ đạt hiệu quả như bạn mong muốn. Tất cả mọi kết quả đều phụ thuộc vào chính bạn. 

  • Đọc sách là một kỹ năng có thể rèn luyện và phát triển qua thời gian. Bằng cách biến việc đọc thành một phần trong thói quen hằng ngày, bạn sẽ dần cải thiện tốc độ và khả năng hiểu nội dung. Bắt đầu với những quyển sách yêu thích, dung lượng vừa phải và dành ra ít nhất 15 phút mỗi ngày để đọc. 
  • Đọc sách không phải lúc nào cũng phải phụ thuộc vào tốc độ. Đọc nhanh cũng được, đọc chậm cũng không sao, miễn là hiệu quả và đạt được mục tiêu đề ra. Hãy tăng tốc độ khi đến các nội dung quen thuộc và các thông tin lặp lại. Ngược lại, hãy tập trung nhiều hơn, đọc chậm rãi và nghiền ngẫm những đoạn văn phức tạp và cần phải phân tích sâu.
  • Đặt ra những mục tiêu nhỏ, như đọc xong một chương hoặc hoàn thành một số trang nhất định mỗi ngày. Các mục tiêu này sẽ giúp bạn duy trì động lực và cảm thấy có tiến bộ từng ngày. 
  • Nếu đọc sách một mình có chút nhàm chán thì hãy đọc sách cùng bạn bè, cũng ai đó mà khi ở bên cạnh bạn cảm thấy thoải mái nhất. Ngoài ra, tham gia và các câu lạc bộ sách cũng là cách giúp bạn tiếp cận với nhiều góc nhìn khác nhau, được chia sẻ thêm nhiều đầu sách hay, phù hợp với bản thân mình.

XEM THÊM: 9 Cách chọn sách đọc, thay đổi bản thân từng ngày

Làm sao để cải thiện kỹ năng đọc sách?
Làm sao để cải thiện kỹ năng đọc sách?

Lời kết

Tùy vào nhu cầu và mục tiêu của mỗi người, bạn có thể lựa chọn cho mình những kỹ thuật phù hợp, từ SQ3R cho đến skimming hay đọc chủ động. Chí biết đến những kỹ thuật đọc sách này thôi chưa đủ; việc thực hành và kiên trì áp dụng mới là điều quan trọng. 

Nếu bạn có những cách đọc sách tốt hơn thì hãy chia sẻ cùng Người Chấp Bút để chúng ta có thể cùng nhau học hỏi, trao đổi và phát triển tình yêu với sách nhé! Chúc bạn có những trải nghiệm đọc sách thật thú vị!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Nội dung có bản quyền!