Nếu cốt truyện chính được coi là xương sống của tác phẩm, thì cốt truyện phụ sẽ là những mạch máu nuôi dưỡng và phát triển các chi tiết, giúp câu chuyện có chiều sâu và truyền tải thông điệp rõ ràng hơn.
Cốt truyện phụ có thể tăng sự phức tạp, đan xen tình tiết và khơi gợi tò mò cho độc giả. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách phát triển nó hiệu quả. Bài viết này sẽ khám phá các nguyên tắc cơ bản để xây dựng cốt truyện phụ một cách sáng tạo và logic, giúp câu chuyện của bạn trở nên hoàn chỉnh hơn.

Cốt truyện phụ là gì?
Cốt truyện phụ là câu chuyện có lưu lượng từ ít hơn cốt truyện chính. Tuy nhiều người xem nhẹ sự có mặt của nó, nhưng thực chất nếu biết cách thêm thắt vào giữa cốt truyện chính thì cao trào của truyện càng trở nên lôi cuốn hơn.
Cốt truyện phụ có thể được định nghĩa là những tình tiết, sự kiện diễn ra song song với cốt truyện chính; vừa bổ sung, mở rộng vừa làm phong phú thêm mạch truyện. Dù không phải là nội dung trọng tâm, nhưng nó vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc tạo thêm lớp phức tạp và chiều sâu, cũng như giúp câu chuyện đa chiều và có nhiều tình tiết đột phá hơn.

Chức năng của cốt truyện phụ
Trong nhiều tác phẩm, cốt truyện phụ có thể không liên quan trực tiếp đến hành trình chính của nhân vật, nhưng nó tạo nên những mắt xích quan trọng cho toàn bộ câu chuyện. Các cốt truyện này thường được thêm vào với chức năng:
- Phức tạp hóa cốt truyện chính: Cốt truyện phụ thường không chỉ tồn tại độc lập mà có sự kết nối, tương tác với cốt truyện chính thông qua chủ đề, nhân vật hoặc bối cảnh. Nó cung cấp những góc nhìn khác, khám phá sâu hơn những yếu tố mà cốt truyện chính có thể không đề cập hết, từ đó tạo ra một vòng tường thuật phong phú và phức tạp hơn.
- Phát triển nhân vật: Bạn không thể triển khai hết tất cả nhân vật trong một cốt truyện, vì thế sự có mặt của cốt truyện phụ cho phép các nhân vật phụ được xuất hiện một cách rõ ràng hơn. Cốt truyện thêm vào sau cốt truyện chính sẽ làm sáng tỏ về động cơ và xung đột nội tâm của các nhân vật, đồng thời cũng bổ sung mặt khác của nhân vật chính, giúp làm rõ hơn quá trình trưởng thành của nhân vật này.
- Kiểm soát nhịp độ và thay đổi không khí: Đây sẽ là công cựu hữu hiệu để kiểm soát nhịp truyện, làm chậm hoặc thúc đẩy cao trào tùy theo mục đích của tác giả. Cạnh đó, nó cũng giúp thay đổi tâm trạng, giọng điệu, giảm bớt sự đơn điệu hoặc căng thẳng, tạo không gian mới cho nhân vật chính bộc lộ cảm xúc thật và phát triển tâm lý.
- Củng cố chủ đề chính: Một trong những mục đích tác giả thêm cốt truyện phụ vào chính là tôn lên chủ đề chính xuyên suốt mạch truyện. Các câu chuyện nhỏ thêm vào có thể không trực tiếp ảnh hưởng đến cốt truyện chính, nhưng sẽ phản ánh hoặc bổ sung cho những thông điệp chủ đạo, từ đó tạo chiều sâu ý nghĩa cho câu chuyện lớn.
- Tăng xung đột, thách thức: Thêm lý do khác để tác giả vẽ ra các câu chuyện phụ chính là để tạo thêm thử thách, đẩy nhân vật vào những tình huống khó khăn hơn, thúc đẩy cao trào thực sự.

Có cần thiết thêm cốt truyện phụ vào trong tiểu thuyết?
Việc thêm cốt truyện phụ vào tiểu thuyết có cần thiết không? Câu trả lời phụ thuộc nhiều vào mục tiêu của tác giả, nhưng trong nhiều trường hợp, sự xuất hiện của các câu chuyện phụ sẽ giúp tác phẩm có chiều sâu và ý nghĩa hơn.
Một cốt truyện phụ mạnh mẽ sẽ tạo ra nhịp điệu cho tác phẩm, giúp tăng hoặc giảm căng thẳng và hồi hộp. Đồng thời, nó tạo thêm không gian để phát triển nhân vật, khám phá các mối quan hệ và những xung đột mà câu chuyện chính không thể hiện hết. Nó làm tăng sự đa dạng cho nội dung truyện, giữ cho mạch truyện hấp dẫn và lôi cuốn hơn.
Tuy nhiên, viết cốt truyện phụ cần có sự tinh tế. Nếu không được liên kết chặt chẽ với câu chuyện chính, nó có thể làm phân tán sự chú ý và làm yếu đi tổng thể tác phẩm. Do đó, việc sử dụng câu chuyện phụ cần phù hợp và tập trung để làm nền tảng vững chắc cho câu chuyện chính thay vì làm loãng nó.

Các loại cốt truyện phụ thường được sử dụng
Câu chuyện phụ thường được chèn vào để làm nền cho sự trưởng thành của nhân vật chính hoặc sự tiến triển của sự kiện chính. Người đọc sẽ có thêm cơ hội hiểu rõ hơn về nhân vật và các xung đột trong tác phẩm thông qua những câu chuyện phụ.
Dưới đây là những cốt truyện phụ thường được sử dụng nhiều nhất:
- Cốt truyện phụ phản chiếu
Cốt truyện này thể hiện một cuộc xung đột hoặc tình huống tương tự như xung đột chính, nhưng ở mức độ nhỏ hơn. Thông qua việc giải quyết xung đột phụ, nhân vật chính có thể rút ra bài học giá trị để áp dụng vào vấn đề chính của họ.
- Cốt truyện phụ lãng mạn
Cốt truyện lãng mạn là một trong những loại cốt truyện phụ phổ biến nhất. Nó thường làm phức tạp thêm xung đột chính bằng cách tạo ra sự căng thẳng hoặc đặt nhân vật vào những tình huống khó xử liên quan đến tình cảm.
- Cốt truyện phụ song song
Cốt truyện này thường diễn ra độc lập với cốt truyện chính, nhưng đến một điểm quan trọng, chúng sẽ va chạm hoặc hợp nhất với nhau, làm sáng tỏ các khía cạnh của câu chuyện hoặc nhân vật chính.
- Cốt truyện phụ làm tăng sự phức tạp
Loại cốt truyện này sẽ làm tăng xung động trong truyện, đưa nhân vật vào tình huống khó khăn gấp bội. Có thể là sẽ có sự xuất hiện của một nhân vật phụ. Họ vô tình hoặc cố ý tạo ra rào cản hoặc xung đột mới cho nhân vật chính, đưa cao trào đến đỉnh điểm.
- Cốt truyện phụ tương phản (cốt truyện nhân vật đối lập)
Nhân vật phụ trong cốt truyện tương phản thường phải đối mặt với những thử thách tương tự như nhân vật chính nhưng phản ứng hoặc lựa chọn khác biệt. Thông qua hành động này của nhân vật phụ sẽ làm nổi bật tính cách và giá trị của nhân vật chính.

Có thể bạn quan tâm: 8 cách xây dựng nhân vật, thổi hồn cho tiểu thuyết
Nguyên tắc viết cốt truyện phụ hay
Cốt truyện phụ là công cụ quan trọng giúp phát triển câu chuyện lớn, mở rộng nhiều góc nhìn cho câu chuyện. Tuy nhiên, khi xây dựng các cốt truyện này cần phải tuân thủ những nguyên tắc sau:
Cốt truyện phụ đóng vai trò thứ yếu
Nếu khi viết tiểu thuyết, bạn cảm thấy những câu chuyện phụ lại nhiều từ hơn cốt truyện chính thì hãy xem lại câu chuyện của mình có lệch hướng hay không nhé.
Cốt truyện phụ phải luôn đứng sau cốt truyện chính, không được lấn át hay chiếm hết sự chú ý. Vai trò của nó là hỗ trợ và làm phong phú thêm mạch truyện chính, giúp tạo ra sự phức tạp và chiều sâu cho câu chuyện.
Cốt truyện phụ vẫn là cốt truyện
Tuy là phụ nhưng nó vẫn phải có cấu trúc rõ ràng, với phần mở đầu, cao trào và kết thúc riêng, giống như một câu chuyện nhỏ lồng trong câu chuyện lớn. Tinh tế được điều này, bạn sẽ giúp độc giả của mình có trải nghiệm tốt hơn khi đọc.
Lưu ý, đừng để cốt truyện phụ chỉ đơn thuần là những tình tiết lấp chỗ trống, mà nó phải có sự khác biệt và vòng tường thuật riêng, cung cấp các góc nhìn mới hoặc đủ để phát triển thêm các nhân vật trong truyện.

Cốt truyện phụ phải có mục đích rõ ràng
Một câu chuyện phụ không chỉ xuất hiện để làm dài thêm câu chuyện mà nó phải có mục đích cụ thể, như giải thích thêm về hành động của nhân vật, tăng độ kịch tích hoặc khai thác thêm khía cạnh khác của xã hội trong truyện. Nếu một cốt truyện phụ có thể bị loại bỏ mà không ảnh hưởng lớn đến cốt truyện chính, thì nó không thực sự cần thiết và có thể được cân nhắc lược bỏ.
Phải có ít nhất một nhân vật liên kết với cốt truyện chính
Để giữ cho cốt truyện phụ có liên hệ với cốt truyện chính, cần ít nhất một nhân vật có mối liên hệ mật thiết giữa hai mạch truyện. Nhân vật này sẽ đảm bảo các xung đột và sự kiện diễn ra trong câu chuyện phụ không bị lạc quẻ, vẫn có sự liên hệ với hành trình của nhân vật chính.

Cốt truyện phụ cần có điểm mới
Không nên lặp lại những gì đã có trong cốt truyện chính. Cốt truyện phụ phải thêm vào một yếu tố mới, cung cấp thêm thông tin, mở ra những cách nhìn khác nhau, hoặc làm sáng tỏ những bí ẩn còn ẩn giấu. Độc giả sẽ không cảm thấy nhàm chán khi bạn tinh ý thêm thắt những yếu tố này vào câu chuyện lớn của mình. Nhưng những cái mới cũng cần hợp chủ đề và không bị vô nghĩa.
Hoàn thiện cốt truyện phụ trước khi kết thúc tiểu thuyết
Tốt nhất là nên bổ sung câu chuyện phụ ở đoạn giữa tiểu thuyết. Và tuyệt đối đừng để kết thúc câu chuyện chính nhưng những tình tiết phụ vẫn còn mơ hồ, chưa có hồi kết. Như vậy, câu chuyện sẽ không được trọn vẹn, khó làm hài lòng người đọc và tạo ra cảm giác hụt hẫng cho nhiều người.
Nhìn chung, cốt truyện phụ nên kết thúc đúng lúc, giúp đẩy cao trào câu chuyện chính lên một cách tự nhiên và nhịp nhàng.

Lời kết
Dù bạn chọn sử dụng một hay nhiều cốt truyện phụ, hãy đảm bảo chúng đều liên kết chặt chẽ với nội dung chính. Đừng để bất kỳ câu chuyện nào được thêm vào tiểu thuyết đều vô nghĩa và không có nhiệm vụ nào khác ngoài việc làm tăng số lượng từ.
Theo dõi Người Chấp Bút để biết thêm nhiều kiến thức hay về sách và các chủ đề liên quan nhé!