Có không ít nhà văn khi viết truyện dài rơi vào tình trạng viết dài dòng, vô nghĩa hoặc câu chuyện bị ngắn gọn quá mức. Nhiều người cũng cố thêm từ cho câu chuyện để chúng dài ra, nhưng lại không tạo ra được chiều sâu về mặt cảm xúc cũng như giá trị cho cốt truyện. Đó có phải cũng là vấn đề mà bạn đang gặp? Nếu là vậy, hãy xem các cách viết truyện dài, thêm thắt chi tiết phù hợp và logic trong bài viết dưới đây:

Thêm nhân vật và làm sâu sắc mối liên hệ giữa cách nhân vật
Vẽ sơ đồ mối liên hệ các nhân vật là cách viết truyện dài có đủ dung lượng từ và đảm bảo về mặt nội dung. Thêm nhân vật và mở rộng mối quan hệ giữa các nhân vật chính và phụ sẽ giúp cốt truyện phong phú hơn, tạo ra những tương tác mới và khai thác thêm các khía cạnh tâm lý, hành động của nhân vật.
Nhân vật chính thường giữ vai trò trung tâm, nhưng việc thêm vào các nhân vật phụ như bạn đồng hành, người cố vấn hay nhân vật đối lập sẽ tạo cơ hội để khám phá sâu hơn về hành trình của nhân vật chính.
Các nhân vật phụ không chỉ đơn thuần làm nền mà còn tạo thêm các tình huống, thách thức và hỗ trợ cho sự phát triển của nhân vật chính. Ví dụ, một nhân vật cố vấn có thể giúp nhân vật chính tìm ra hướng đi đúng đắn trong lúc bế tắc, hoặc một nhân vật phản diện có thể thúc đẩy nhân vật chính phải đấu tranh, từ đó cho thấy rõ hơn về sự trưởng thành của nhân vật.
Đi sâu vào phát triển các mối liên hệ giữa những nhân vật là yếu tố then chốt để độc giả không thoát ra khỏi câu chuyện của bạn. Khi các nhân vật tương tác với nhau, không chỉ qua các tình huống bề nổi, mà còn qua các tầng cảm xúc, mục đích cá nhân hay những xung đột nội tại, câu chuyện sẽ càng có nhiều điều để nói đến, chân thực và thuyết phục độc giả hơn.

Làm nổi bật hơn những tính cách quan trọng của nhân vật chính
Nhấn mạnh những đặc điểm tính cách chính của nhân vật giúp xác định rõ vai trò của họ trong câu chuyện. Đó có thể là lòng dũng cảm, sự trung thành, hay thậm chí là những điểm yếu riêng biệt. Để làm điều này, hãy đưa nhân vật chính vào các tình huống cụ thể, nơi những tính cách quan trọng đó được thử thách và bộc lộ rõ hơn ra bên ngoài.
Chẳng hạn như, một nhân vật bình thường có tính kiên định, không bao giờ bỏ cuộc, vậy thì hãy để họ đối mặt với những trở ngại chưa từng có, đưa họ vào tình thế phải lựa chọn, buộc họ phải đưa ra những quyết định khó khăn. Những khoảnh khắc này vừa làm rõ bản chất thực sự của nhân vật, vừa tạo nên sự kịch tính cần thiết cho cốt truyện.
Một nhân vật không chỉ được xác định qua lời thoại hay suy nghĩ mà còn thông qua cách họ tương tác với thế giới xung quanh. Hành động của nhân vật sẽ phản ánh rõ nét những phẩm chất mà tác giả muốn nhấn mạnh.
Cạnh đó, làm nổi bật những mâu thuẫn nội tâm của nhân vật cũng là cách thêm thắt các khía cạnh tính cách nổi bật hoặc tiềm ẩn của họ. Một nhân vật không hoàn hảo, với những mâu thuẫn nội tại hoặc những quyết định khó khăn, sẽ gần gũi và chân thực hơn. Độc giả có thể thấy mình trong những khía cạnh đó và từ đó đồng hành cùng nhân vật trên con đường phát triển.

Cách viết truyện dài: Kéo dài dòng thời gian
Một trong những cách viết truyện dài hiệu quả mà không tạo cảm giác cố tính kéo dài lê thê chính là mở rộng thời gian câu chuyện.
Thực tế, nhiều tác phẩm nổi tiếng với độ dài lớn thường có khung thời gian trải dài qua nhiều năm, cho phép tác giả khắc họa những chiều sâu và sự đa dạng trong các mối quan hệ cũng như các tình huống của nhân vật.
Mở rộng khung thời gian sẽ giúp bạn tạo ra những cảnh và chương có mục đích, dẫn dắt độc giả từ từ vào các tình huống phức tạp trước khi đến cao trào. Thay vì chỉ đặt câu chuyện trong một tuần, hãy thử kéo dài nó thành vài tháng hoặc thậm chí vài năm. Độ dài này sẽ đủ để tạo thêm những biến cố, những sự kiện bất ngờ và cho thấy rõ hơn sự trưởng thành của nhân vật.

Đi sâu vào những câu chuyện đằng sau nhân vật
Cách viết truyện dài không khiến độc giả ngán ngẩm vì độ dài của nó chính là luôn mở ra những câu chuyện nhỏ, bí ẩn đằng sau. Tức là, hãy tạo một nhân vật có nhiều câu chuyện quá khứ, cuộc sống phức tạp và nhiều góc khuất chưa được khám phá hết. Độc giả sẽ dễ kết nối, có những cảm xúc rõ ràng và bị thôi thúc vào từng màn hé lộ mà bạn dẫn dắt. Đừng tạo ra một nhân vật, một câu chuyện không có gì đằng sau đó, nó sẽ khiến câu chuyện trở nên nhạt nhẽo và vô vị.
Để có thể làm được điều này, bạn có thể sử dụng nhiều phương pháp như hồi tưởng, đối thoại, độc thoại hoặc tường thuật. Hãy cung cấp thông tin một cách từ từ để độc giả không bị “bội thực”. Mặc dù việc tiết lộ quá nhiều về quá khứ của nhân vật có thể làm giảm nhịp độ câu chuyện, nhưng nếu được thực hiện một cách khéo léo, những hồi tưởng này sẽ giúp nhân vật trở nên đáng tin cậy và hấp dẫn hơn.

Thêm vào sự phức tạp
Viết truyện dài không phải là thêm càng nhiều từ là được, mà phải biết cách tạo ra những tình huống và xung đột gay gắt để câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn. Chính những sự phức tạp này không chỉ khiến câu chuyện kéo dài mà còn làm nổi bật tính cách và nghị lực của nhân vật.
Để có thể mở tình huống một cách tự nhiên và logic, hãy tự hỏi: “Điều gì khác có thể xảy ra với nhân vật chính?”. Cách này sẽ giúp mở rộng không gian cho câu chuyện, tạo cơ hội cho nhân vật chính “bung lụa” và phô trương các nét tính cách ẩn sâu bên trong.
Nên, nếu nhân vật của bạn dự định tranh luận về một vấn đề cụ thể, tại sao không làm cho họ phải đối mặt với một vấn đề phụ khác? Bằng cách này sẽ tăng thêm độ khó cho họ, cũng như giúp câu chuyện dài hơn theo ý muốn.
Ngoài ra, hãy chú ý đến những chi tiết nhỏ trong từng cảm. Xem xét xem liệu có những đoạn nào mà bạn chưa chi tiết, kịch tính hóa lên không. Nếu có, hãy tăng thêm các đoạn độc thoại nội tâm, mô tả bối cảnh và khai thác sâu hơn về mặt cảm xúc của họ. Những chi tiết này, tuy nhỏ nhưng có thể tạo ra sự khác biệt hoặc đột phá cho câu chuyện.

Xem xét câu chuyện theo góc nhìn của nhân vật khác
Khi bạn bắt đầu xây dựng các nhân vật phụ có ước mơ và mục tiêu riêng, câu chuyện của bạn sẽ tự động có nhiều thứ để nhắc đến hơn. Đừng cố xem các nhân vật này làm nền cho nhân vật chính, bởi những gì diễn ra xung quanh họ cũng có thể khiến độc giả của bạn “say đắm” nhiều hơn.
Nhiều tác giả, đặc biệt là những người mới bắt đầu, thường chỉ tập trung vào nhân vật chính, khiến cho các nhân vật phụ trở nên mờ nhạt và thiếu chiều sâu. Sự lơ là này sẽ làm cho câu chuyện bị ngắn, hời hợt và ảnh hưởng đến cả sự “thể hiện” của nhân vật chính.
Đừng quên, các nhân vật này có thể mang lại xung đột mới và mở ra các khía cạnh khác nhau trong cùng một tình huống, từ đó tạo ra nhiều mâu thuẫn nội tại và thúc đẩy diễn tiến câu chuyện. Vì thế, đứng trên góc nhìn của các nhân vật khác cũng là một cách viết truyện dài hay và logic.
Để xác định góc nhìn nào phù hợp nhất, hãy đặt câu hỏi: “Ai đang kể câu chuyện và tại sao?” Bạn có thể chọn từ nhiều chiến lược như ngôi kể thứ nhất, ngôi thứ hai hoặc thứ ba. Không nhất thiết phải giữ nguyên góc nhìn duy nhất trong suốt quá trình, bạn có thể chuyển đổi các góc nhìn khác nhau để tạo ra nhiều cảm giác hơn cho câu chuyện. Tuy nhiên, hãy lựa chọn phù hợp và đúng thời điểm để không làm câu chuyện bị khó đọc và khó cảm thụ.

Cách viết truyện dài: Không bỏ sót cốt truyện phụ
Truyện ngắn có thể không cần đến cốt truyện phụ, nhưng truyện dài thì cần bổ sung thêm các cốt truyện này để mọi sự kiện, hành động diễn ra một cách tự nhiên hơn. Thay vì đơn thuần chỉ theo dõi cuộc hành trình của nhân vật chính, việc vẽ ra thêm các cốt truyện phụ sẽ mở ra nhiều góc khuất khác nhau trong cuộc sống của nhân vật, làm cho độc giả cảm thấy gần gũi hơn với các nhân vật và tình huống.
Điều quan trọng là các cốt truyện phụ nên liên quan chặt chẽ đến chủ đề chính của tác phẩm hoặc có thể liên kết một cách bất ngờ với cốt truyện chính. Bất kể một cốt truyện phụ nào thêm vào đều phải có mục đích rõ ràng và có ảnh hưởng đến mạch truyện chính. Nếu bỏ cốt truyện phụ đó ra và câu chuyện vẫn diễn ra bình thường thì cốt truyện đó không có ý nghĩa và giá trị.

Lời kết
Nếu có thể áp dụng thành công các cách viết truyện dài này, tiểu thuyết của bạn sẽ đảm bảo về mặt số lượng từ và cả nội dung câu chuyện, làm rõ được thông điệp và giá trị mà bạn muốn mang lại cho người đọc.
Nhưng đó không phải là tất cả các cách có thể làm câu chuyện trở nên dài hơn mà vẫn giữ được sự hợp lý và logic của nó. Chúng tôi mong muốn lắng nghe những ý kiến và kinh nghiệm của bạn! Nếu bạn có những gợi ý nào khác cho những nhà văn đang tìm cách cải thiện câu chuyện của mình mà vẫn không làm giảm chất lượng nội dung thì hãy chia sẻ ngay với Người Chấp Bút và mọi người nhé!